Ý kiến, phản hồi từ cộng đồng mạng về vấn đề sản phẩm y tế “dỏm” đang tràn lan trên thị trường:
"Thật sự thị trường hiện nay mình không thể tin vào bất cứ sản phẩm hay quảng cáo nào cả. 1 phần là chất lượng sản phẩm không được đảm bảo, thứ 2 là mình thấy quảng cáo khá sai sự thật, cứ quảng cáo rầm rộ vào những thật sự chất lượng lại chẳng được một góc nào cả." - Phạm Văn Hải chia sẻ.
"Nhiều người cứ nghĩ tới lợi nhận, làm giàu cho cá nhân mà nhẫn tâm lợi dụng cái nhu cầu cần chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp của mọi người, rồi lợi dụng lòng tin của họ để mà bán những sản phẩm dỏm, nhái gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người tiêu dùng không may sử dụng." - Nguyễn Hương cho biết.
"Mình thấy vấn đề sản phẩm y tế kém chất lượng cũng cần có sự quan tâm của cơ quan có chức năng, mình thấy nếu quản lý chặt chẽ ngay từ đầu về khâu sản xuất, thành phần, chất lượng sản phẩm được kiểm định an toàn thì chắc chắn không có tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan. Mà là hàng liên quan đến sức khỏe thì lại càng là vấn đề mà cơ quan chức năng và cả người tiêu dùng nên quan tâm." - Thanh Thảo chia sẻ.
Tìm hiểu thông tin báo động sản phẩm y tế “dỏm” trên thị trường hiện nay:
Các sản phẩm y tế điều trị và hỗ trợ điều trị như thuốc, thực phẩm chức năng, dược liệu ngày càng bị làm giả, làm nhái. Thậm chí, các đối tượng còn làm giả cả giấy tờ của cơ quan, tổ chức nhà nước để qua mặt cơ quan có thẩm quyền quản lý. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng mất tiền mua phải hàng “dỏm” mà đang gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng.
- Làm giả cả phiếu kiểm nghiệm
Qua quá trình kiểm tra giám sát, thời gian gần đây, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã phát hiện hàng loạt cơ sở, doanh nghiệp (DN) sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm y tế như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Điển hình như Công ty TNHH TM SX HD (Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) bị xử phạt 60 triệu đồng do sản xuất mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng, không an toàn cho người sử dụng đối với sản phẩm sữa rửa mặt Rice & Milk foaming cleaner she (số lô L002). Tương tự, Công ty TNHH MTV SX TM XNK Mỹ phẩm T.A (quận Tân Phú) cũng bị phạt 60 triệu đồng do sản xuất mỹ phẩm có thành phần chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm (chứa Clobetasol Propionat)…
Theo TS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm đến nay, thanh tra sở đã phát hiện hàng chục cơ sở, DN có sai phạm về sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng, dược liệu giả, nhái, kém chất lượng hoặc có chất cấm. “Nhìn chung có sự gia tăng cơ sở vi phạm là do tần suất kiểm tra nhiều hơn, có trách nhiệm hơn và chúng tôi đều phạt ở khung cao nhất để răn đe”, ông Trạng chia sẻ.
Điều đáng nói, tình trạng các sản phẩm y tế phục vụ điều trị, hỗ trợ điều trị kém chất lượng, làm giả ngày càng tinh vi hơn. Thậm chí làm giả cả phiếu kiểm nghiệm chất lượng, phiếu công bố chất lượng sản phẩm để qua mặt cơ quan chức năng. Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã “vạch mặt” hai DN dược sử dụng Phiếu kết quả kiểm nghiệm giả khi thực hiện công bố sản phẩm là thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe con người.
Không chỉ thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng mà ngay cả thực phẩm sử dụng hàng ngày của người dân cũng đang báo động làm giả, hàng nhái. Theo ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 10 tháng của năm 2016 đã kiểm tra 345.106 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 56.978 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (chiếm 16,51%). Ngoài việc xử phạt hơn 26 tỷ đồng, 145 cơ sở còn bị đình chỉ hoạt động, 133 loại thực phẩm bị đình chỉ lưu hành... Đó là chưa kể hàng ngàn loại thực phẩm bị tiêu hủy do không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...
- Cơ quan chức năng: Khó kiểm soát!
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), thực trạng hàng gian, hàng giả trong lĩnh vực y tế, nhất là thực phẩm chức năng, thuốc, dược liệu, mỹ phẩm... ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Thời gian qua, nhiều vụ vi phạm lớn của những đường dây, ổ nhóm hoạt động tinh vi đã bị phanh phui. Có những vụ nghiêm trọng đến nỗi đoàn công tác phải bố trí cả lực lượng mang vũ khí đi theo để bảo vệ.
Cảnh báo sức khỏe - Vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trước cổng Trường THCS Phước Lộc (huyện Nhà Bè) hồi cuối tháng 11 vừa qua khiến 18 học sinh nhập viện là một minh chứng. Nguyên do là các em đã uống sản phẩm sữa do một nhóm người tiếp thị không nhãn hiệu, không nguồn gốc. Hay như vụ Công ty TNHH Đông dược Hòa Phú (TPHCM) bị cơ quan chức năng phát hiện sai phạm và chuyển cơ quan điều tra do có hành vi sai phạm trong buôn bán dược liệu nhưng vẫn trúng thầu vào nhiều bệnh viện.
Quan ngại hơn, qua thanh tra Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM mới đây, cơ quan chức năng phát hiện mặc dù mua sắm hàng chục tỷ đồng dược liệu đã sơ chế, chưa sơ chế để phục vụ chữa bệnh, nhưng qua kiểm nghiệm cho thấy một lỷ lệ rất lớn dược liệu kém chất lượng. Năm 2014, Viện Kiểm nghiệm TPHCM lấy 17 mẫu thì hết 7 mẫu không đạt chất lượng; năm 2015, Viện Kiểm nghiệm TPHCM lấy 11 mẫu thì 5 mẫu không đạt chất lượng…
Hành vi gian lận trong lĩnh vực y tế ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe người dân, đặt ra nhiều thách thức trong công tác phòng chống. Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn yêu cầu trong thời gian tới các đơn vị trực thuộc trung ương và địa phương tăng cường phối hợp kiểm soát chặt chẽ hàng gian, hàng giả trong lĩnh vực y tế, tập trung vào thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc, mỹ phẩm và dược liệu.
>> Nguồn từ: http://sggp.org. vn/ytesuckhoe/2016/12/443332/