Có thể nói đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ mới sinh, nhất là trẻ sinh non. Cảnh báo sức khỏe về bệnh suy hô hấp có thể là biểu hiện của các bệnh đường hô hấp, bệnh tim mạch, não; nhưng cũng có thể chỉ đơn thuần là hệ quả của tình trạng hạ thân nhiệt, hạ đường huyết.
Bệnh suy hô hấp ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của trẻ em.
Ý khiến chia sẻ của mọi người về bệnh suy hô hấp ở trẻ em:
Loan Bùi chia sẻ: "Bé Bi, em họ tôi mới được 13 ngày tuổi thì vào viện do bị suy hô hấp. Cả nhà tôi đang mất ăn mất ngủ. Bé ra đời là niềm vui khôn xiết của đại gia đình, bé sinh đủ tháng nhưng phải đẻ mổ. Bé nặng 3,7kg, ăn uống tốt. Thế nhưng được 1 tuần tuổi thì bắt đầu ho, nhịp thở nhanh, da dẻ tím tái và cứ thế nặng thêm. Bé mới được đưa vào viện, mỗi ngày tiêm đến 5-6 mũ, rồi còn bị hút đờm từ mũi, khóc thé lên. Nhìn xót và thương lắm. Tôi đã đọc một số thông tin về suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, và thấy rất lo lắng vì bệnh này ảnh hưởng không nhỏ đến tính mạng, hiện nay bé vẫn đang được chữa trị."
Kim My cho biết "Bé nhà mình lúc hai tháng tuổi cũng bị suy hô hấp phải nằm viện 10 ngày. Những lúc bé nghẹt đàm phải hút mũi, phải xông thuốc, tập vật lý trị liệu và truyền thuốc liên tục 10 ngày mới hơi đỡ đỡ thôi. Đối với bé còn nhỏ, nếu bị nghẹt đờm như thế rất nguy hiểm, cho nên mình khuyên mẹ của bé phải theo dõi con thật kỹ lưỡng, chỉ cần thấy bé có dấu hiệu khó thở, lồng ngực co rút là phải báo bác sỹ gấp để hút mũi, vì thường dờm sẽ lên mũi là nghẹt mũi và họng, bé sẽ không thể thở được bằng cả hai đường, trong nhiều trường hợp mẹ không biết xử lý làm bé suy hô hấp thời gian dài dễ dẫn đến tử vong. Mẹ thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý cho bé để loãng đờm, và vỗ lưng cho con thường xuyên và báo bác sỹ khi thấy con có biểu hiện bất thường nhé. Bé nhà mình lần đó bị suy hô hấp nhưng may mà cấp cứu kịp nếu không chắc chết quá..."
Hạ Vy chia sẻ: "Cô bé nhà mình sinh non, 2,3 kg và bị suy hô hấp do khi sinh ra nang phổi không nở, bác sĩ phải kích nở phổi bằng thiết bị của bệnh viện. Con mình lúc sinh ra khó thở vô cùng, cứ hổn hà hổn hển, người thì tím tái, phải thở ô-xy, bé không thể bú sữa mẹ mà toàn uống bằng đường xông. Nhìn tội lắm, lúc đó bé tí tẹo, Bác sĩ đặt thế nào nằm vậy, thi thoảng mới thấy cử động chân tay. Bác sỹ cho nằm lồng kính và luôn có người theo dõi. Được khoảng 5 ngày tình trạng con đỡ hơn, tuy nhiên vẫn phải nằm viện và theo dõi thường xuyên. Nằm hơn nửa tháng tình trạng của bé mới cải thiện, bác sĩ còn nói mình may mắn vì có rất nhiều trẻ mất mạng vì tình trạng suy hô hấp này."
Thông qua bài viết “Dấu hiệu suy hô hấp ở trẻ sơ sinh” trên trang Suckhoe:
Sau khi lọt lòng mẹ, các cơ quan nội tạng của trẻ bắt đầu hoạt động và phối hợp nhịp nhàng để duy trì chức năng hô hấp. Nếu khả năng thích ứng đó bị rối loạn, tình trạng suy hô hấp sẽ xảy ra.
Sớm nhận biết bệnh suy hô hấp để bảo vệ tính mạng con mình.
- Các nguyên nhân gây bệnh bao gồm:
- Tổn thương hệ thần kinh trung ương:
Trẻ bị viêm não, viêm màng não, sang chấn sọ não, xuất huyết não...
- Bệnh lý về tim mạch:
Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, đặc biệt là tam chứng, tứ chứng fallot.
- Bệnh của hệ hô hấp:
Hội chứng màng trong, xẹp phổi, chảy máu phổi, viêm phế quản, viêm phổi, tắc lỗ mũi sau, có chướng ngại vật ở đường hô hấp (đờm dãi, sữa).
- Bệnh về huyết áp:
Trẻ bị hạ đường huyết do đói hoặc hạ thân nhiệt do lạnh.
- Những lưu ý dành cho phụ huynh:
Để đề phòng chứng suy hô hấp cho trẻ, bà mẹ khi mang thai cần đi khám thường xuyên, đồng thời chăm sóc tốt thai nghén theo sự chỉ dẫn của bác sĩ nhằm giảm các nguy cơ thai bất thường, sinh non. Điều này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh gây suy thở như bệnh màng trong, xẹp phổi...
Cần lưu ý không để những trẻ mới chào đời bị lạnh (nhiệt độ ngoại cảnh thích hợp là 27-28 độ C). Cho bé ăn đầy đủ để không bị hạ đường huyết.
- Dấu hiệu trẻ mắc phải bệnh suy hô hấp:
Hãy nghĩ đến chứng suy hô hấp nếu thấy trẻ có một trong những dấu hiệu sau:
- Rối loạn nhịp thở: Trẻ thở nông, nhanh, không đều, nhịp thở trên 60 lần/phút.
- Da tím hoặc tái, xảy ra ở toàn thân hoặc quanh môi và tứ chi.
- Khó thở, co kéo lồng ngực và các cơ liên sườn, lõm xương ức. Di động của ngực và bụng không nhịp nhàng theo nhịp thở. Cánh mũi phập phồng, có tiếng rên thì thở ra.
Lúc này, cơ thể trẻ đang thiếu dưỡng khí. Nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách, bệnh nhi rất dễ tử vong.
Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện khi có những dấu hiệu bất thường.
Trong lúc chuẩn bị đưa trẻ đến bệnh viện, gia đình cần thực hiện ngay một số việc sau:
- Làm thông đường thở, nhất là đối với trẻ suy thở do sặc sữa hoặc sặc đờm dãi.
- Dùng ngón tay quấn khăn sô hoặc gạc lau sạch miệng và họng cho trẻ.
- Nhanh chóng hút mũi cho trẻ. Phải làm nhanh và nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương niêm mạc miệng của trẻ.
- Nới rộng tã, áo để trẻ dễ thở.
- Ủ ấm cho trẻ bằng chăn, túi nước ấm.
- Bế bé ở tư thế đầu cao, hơi ngửa cổ để bé dễ thở. Trên đường vận chuyển, nếu trẻ không thở thì phải búng nhẹ ở gót chân hoặc xoa nhẹ vùng ngực để kích thích trẻ thở.
Bạn biết đấy, bệnh suy hô hấp không phải là căn bệnh đơn giản vì nó sẽ khiến con trẻ của bạn mất mạng. Vì vậy xin đừng chủ quan, hãy luôn quan sát, nhanh chóng đưa con đến bác sĩ khi thấy những dấu hiệu bất thường để con bạn an toàn.
Hãy chia sẻ với chúng tôi những dấu hiệu cùng phương pháp nhận biết bệnh suy hô hấp ở trẻ em khác mà bạn biết nhé!