Cẩm Nang Sức Khỏe

Giúp bố mẹ bảo vệ con trẻ trong mùa bệnh tay chân miệng

Hiện tại số lượng trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tại TP.HCM đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Vậy các bậc bố mẹ nhận biết, phòng ngừa và chăm sóc trẻ mắc bệnh này thế nào?

Tay chân miệng không còn là căn bệnh xa lạ bởi tác hại của nó đến đời sống sức khỏe trẻ em đã được lên tiếng cảnh báo khá lâu, thế nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa có đủ kiến thức và hiểu biết về bệnh, dẫn tới tình trạng thương tâm không đáng xảy ra.

Bệnh tay - chân - miệng diễn ra phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Cộng đồng SucKhoeNhanh.Com chia sẻ ý kiến cá nhân về cách phòng bệnh tay chân miệng:

Thanh Thủy chia sẻ: “Bé nhà tôi năm nay được 3 tuổi, hôm đi khám sức khỏe định kỳ cho bé thì bác sĩ có khuyến cáo trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng rất cao vì vậy phụ huynh phải chú ý đến sức khỏe của bé, nếu trẻ có các biểu hiện lạ ở tay chân miệng nên đưa đến bệnh viện ngay và nhất là phải chú ý vệ sinh cơ thể luôn sạch sẽ để phòng tránh bệnh.”

Hồ Hoài cho biết: “Mấy hôm trước nhà trẻ con mình học có mấy trẻ phát hiện bệnh tay chân miệng nên mình phải nghỉ làm ở nhà vài hôm để chăm sóc con vì sợ con có thể lây bệnh từ bạn khác. Nhờ thời gian này mình tìm hiểu kĩ về bệnh hơn, biết bệnh có thể khiến trẻ có những biến chứng về thần kinh nếu không may mắc bệnh và không phát hiện sớm. Mình còn tìm hiểu cách phòng bệnh bằng cách cho con cho con uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây tươi, vệ sinh sạch sẻ cơ thể trẻ,…”

Trích từ bài viết “Đang mùa bệnh tay chân miệng, cha mẹ bảo vệ trẻ thế nào?” được tổng hợp bởi Yến Trinh:

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cảnh báo, bệnh tay chân miệng chuẩn bị vào mùa, phụ huynh nên chủ động phòng ngừa. Nếu trẻ mắc tay chân miệng không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Trao đổi với bác sĩ nhi khoa Trần Thị Huyên Thảo, hiện đang công tác tại TP.HCM, cho biết: Bệnh tay chân miệng là một tình trạng nhiễm siêu vi, thường do virus enterovirus gây ra.

Đa số các trường hợp sẽ có nổi hồng ban hoặc bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, hoặc những vết loét, bóng nước ở xung quanh miệng, trong lưỡi và hầu họng của trẻ.

Đối với những trường hợp này, phụ huynh nên cho trẻ đi khám vì ở một số nhỏ trẻ sẽ có nguy cơ biến chứng về não, thần kinh trung ương. Đặc biệt, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi thường có nguy cơ biến chứng cao hơn trẻ lớn.

Hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân để biết cách phòng bệnh hiệu quả.

Vì trẻ bị đau miệng nên sẽ từ chối ăn những thức ăn cứng hoặc nóng. Trẻ sẽ thích ăn hoặc uống những món hơi lạnh. Thường chúng ta nghĩ ăn kem hoặc ăn đá có thể gây viêm họng, làm trẻ bị ho.

Tuy nhiên, chúng ta có thể hỗ trợ trẻ bằng cách cho trẻ những thức ăn mà trẻ thích hoặc những thức ăn lành lạnh một chút để trẻ có thể ăn dễ dàng hơn, giúp trẻ không bị hạ đường huyết cũng như bị mất nước.

Trong trường hợp trẻ sốt cao liên tục trong vài ngày, lừ đừ, ngủ nhiều, giật mình chới với, la hét nhiều về đêm hoặc đi không vững, phụ huynh cần cho trẻ khám bác sĩ ngay để có thể đánh giá và xử lý kịp thời.

Đặc biệt, trong lớp học (đặc biệt là lớp mẫu giáo) trẻ càng dễ bị lây bệnh tay chân miệng do các bé chơi đồ chơi chung. Do đó, trong môi trường này phụ huynh khó thể ngăn ngừa mà chỉ có thể bảo vệ.

Cách căn bản để con nhà bạn tránh khỏi bệnh tay chân miệng là giữ vệ sinh cho tốt, rửa tay của trẻ thường xuyên, tập cho trẻ thói quen không liếm những đồ vật bên ngoài hoặc liếm tay chân.