Các phản ứng dị ứng có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhẹ nhất là sự kích ứng, các tác dụng phụ ở mức độ nhẹ như: buồn nôn, nôn mửa cho đến các trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng, chẳng hạn shock phản vệ…những triệu chứng này như lời cảnh báo sức khỏe bị ảnh hưởng không nhỏ.
Dị ứng do thuốc thường biểu hiện ra bên ngoài da bằng những nốt đỏ.
Những dấu hiệu phát hiện dị ứng thuốc được chia sẻ bởi cộng đồng SucKhoeNhanh.Com:
Nguyễn Thị Duyên chia sẻ: "Mình năm nay 23 tuổi, trước đây mình cũng thường bị dị ứng, nhưng chỉ vào mùa hè, một năm 1 đến 2 lần thôi. Mình thường bị dị ứng do thời tiết rồi khỏi sau đó. Nhưng 1 tháng nay mình uống thuốc trị mụn nhưng lại bị dị ứng mà không khỏi. Cánh tay và chân, chủ yếu ở khuỷu tay và đầu gối,trên người mình lên đầy những nốt đỏ, có chỗ sưng to và lở loét nhìn như những vệt tròn, khi nó dài như rời bò, có khi nổi thành bạt khiến lúc nào mình cũng có cảm giác khó chịu. Thấy không giống mấy lần trước nên mình đi kiểm tra thì bác sĩ phát hiện mình bị dị ứng thuốc."
Hùng Lê chia sẻ: "Nhắc đến dị ứng thuốc em mới nhớ đến nỗi ám ảnh một thời của mình. Lần đó em bạn mời mua thực phẩm chức năng mà nó bán. Cũng là chỗ bạn bè nên em cũng mua một hộp với giá không phải rẻ. Mới đầu định không có uống vì không biết thuốc có uy tín không, nhưng sau thấy tiếc tiền quá nên em cũng uống thứ. Mấy ngày đầu thì vẫn bình thường, nhưng không biết sao sang ngày thứ 3 thì người em nổi mày đay, mẩn ngứa, hột đỏ lên đầy da tay, chân đến nỗi toàn thân đều xuất hiện nốt đỏ. Mặt em còn bị xưng phù lên. Thấy không ổn và cũng nghi là tại thuốc nên em đến bác sĩ kiểm tra thì y như rằng em bị dị ứng với thuốc đó. Từ lần đó có uống thuốc gì em đều tìm hiểu nguồn gốc trước khi sử dụng cả."
Sử dụng thuốc không đúng cách, thuốc không hợp với cơ thể sẽ khiến cơ thể bạn có những biểu hiện phản lại.
Trích từ bài viết “Triệu chứng, biểu hiện của dị ứng thuốc” trên trang Suckhoe như sau:
Các biểu hiện thường gặp nhất khi bị dị ứng thuốc:
- Mày đay:
Là biểu hiện lâm sàng nhẹ và ban đầu của phần lớn các trường hợp dị ứng thuốc. Sau khi dùng thuốc (nhanh từ 5-10 phút, chậm có thể vài ngày), người bệnh cảm thấy nóng bừng, ngứa, trên da nổi ban cùng sẩn phù. Trường hợp nặng có thể có khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, sốt cao...
- Phù Quincke:
Là tình trạng phù cục bộ, phù thường xuất hiện nhanh sau khi dùng thuốc ở những vùng da mỏng, môi, cổ, quanh mắt, bụng, các chi, bộ phận sinh dục... Màu da vùng phù bình thường hoặc hơi hồng nhạt, đôi khi phối hợp với mày đay. Trường hợp phù Quincke ở họng, thanh quản, người bệnh có thể bị nghẹt thở; ở ruột, dạ dày gây đau bụng; ở não gây đau đầu...
- Viêm da dị ứng:
Thương tổn cơ bản là mụn nước kèm theo ban đỏ, ngứa, phù da và tiến triển theo nhiều giai đoạn. Viêm da dị ứng có thể xuất hiện nhanh sau một vài giờ, trung bình sau vài ba ngày, có khi hàng tuần sau khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc.
- Đỏ da toàn thân:
Bệnh xuất hiện từ 2 - 3 ngày, trung bình 6 - 7 ngày, đôi khi 2 - 3 tuần sau khi dùng thuốc. Người bệnh thấy bừng nóng, ngứa khắp người, sốt cao, rối loạn tiêu hóa, nổi ban đỏ toàn thân, trên da có vảy trắng, các kẽ chân tay có thể nứt và chảy nước vàng, đôi khi bị bội nhiễm có mủ.
- Bệnh huyết thanh:
Thường xuất hiện vào ngày thứ hai đến ngày thứ 14 sau khi dùng thuốc với biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, buồn nôn, đau khớp, sưng nhiều hạch, sốt cao 38 - 39oC, gan to, nổi ban mày đay khắp người. Nếu phát hiện kịp thời và ngừng ngay việc dùng thuốc, các triệu chứng trên sẽ dần hết.
- Chứng mất bạch cầu hạt:
Biểu hiện lâm sàng điển hình là sốt cao đột ngột, mệt mỏi, sức khỏe giảm sút nhanh, nổi ban dạng sởi, dạng xuất huyết, loét hoại tử niêm mạc miệng, mũi họng, cơ quan sinh dục, viêm phổi, viêm tắc tĩnh mạch, nhiễm xuất huyết dễ dẫn tới tử vong.
- Hồng ban đa dạng:
Bệnh bắt đầu sau một vài ngày dùng thuốc với những biểu hiện: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau khớp, sưng hạch, có cảm giác nóng bỏng toàn thân, trên da xuất hiện các sẩn tròn giống sẩn mày đay, rìa nổi gờ cao, đỏ hơi cộm, vùng trung tâm của sẩn hơi lõm và nhăn. Ngoài sẩn còn có các mụn nước, bọng nước, tổn thương niêm mạc các hốc tự nhiên, tổn thương nội tạng… trường hợp nặng có thể gây tử vong.
- Hội chứng Stevens-Johnson (hồng ban đa dạng có bọng nước):
Sau khi dùng thuốc từ vài giờ đến 10 - 15 ngày, người bệnh mệt mỏi, ngứa khắp người, có cảm giác nóng ran, sốt cao, nổi ban đỏ, nổi bọng nước trên da, viêm loét hoại tử niêm mạc các hốc tự nhiên và có thể kèm theo tổn thương gan thận, nếu nặng có thể gây tử vong.
- Hội chứng Lyell:
Là tình trạng nhiễm độc da dị ứng nghiêm trọng nhất. Bệnh diễn biến từ vài giờ đến vài tuần sau khi dùng thuốc. Người bệnh mệt mỏi, mất ngủ, sốt cao, ngứa khắp người, trên da xuất hiện các mảng đỏ; vài ngày sau, lớp thượng bì tách khỏi tổ chức da, khẽ động đến là tuột từng mảng, tương tự hội chứng bỏng toàn thân; tình trạng người bệnh thường rất nặng, nhanh dẫn đến tử vong.
- Sốc phản vệ:
Là tai biến dị ứng nghiêm trọng, dễ gây tử vong. Biểu hiện lâm sàng đa dạng, có thể xảy ra ngay sau khi dùng thuốc vài giây cho đến 20 - 30 phút, khởi đầu bằng cảm giác lạ thường (tê môi, lưỡi, bồn chồn, sợ hãi...). Tiếp đó là sự xuất hiện nhanh các triệu chứng như khó thở, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, ngứa ran khắp người, đau quặn bụng, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ, thể cấp tính người bệnh có thể hôn mê, nghẹt thở, rối loạn nhịp tim, ngừng tim và tử vong sau ít phút.
Nếu bạn xuất hiện các biểu hiện trên tôi tin chắc rằng bạn đã bị dị ứng thuốc, lúc này bạn nên ngưng sử dụng loại thuốc gần nhất và nhanh chóng đến gặp bác sĩ, tránh tình trạng dị ứng gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Hãy chia sẻ với chúng tôi những dấu hiệu phát hiện dị ứng thuốc mà bạn biết bằng cách bình luận phía dưới để mọi người cùng đề phòng nhé!