Cộng đồng quan tâm đến sức khỏe và bệnh đau tim chia sẻ ý kiến cá nhân của mình:
"Thời gian gần đây mình bắt đầu cảm thấy những cơn nhói đau tim. Thực sự là rất đau. Giống như là bị dao găm vào tim vậy. Và thời gian bị kéo dài gần như liên tục trong vòng mấy ngày gần đây mỗi khi mình có việc phải suy nghĩ. Mình có đi kiểm tra thì bác sĩ cảnh báo mình có vấn đề về tim, cần dùng thuốc và đề phòng cơn đau tim xảy ra bất ngờ."- Thảo Quyên chia sẻ.
"Mình cũng từng bị gọi cấp cứu mấy lần vì tim đau mạnh, chân tay co quắp cứng cả hàm không nói được, không đo được cả huyết áp, họ đến tiêm can xi và mình khỏi. Họ bảo thiếu can xi máu, và có biểu hiện của tim mạch nhưng sau đó mình hay bị chóng mặt và cũng có những lúc cảm thấy tim đập thình thịch, đau thắt ngực 1 chút rồi thôi. Mình đi khám chụp tim phổi và điện tim đồ thì bác sĩ kết luận là thiếu máu cơ tim. Mình đang uống thuốc điều trị 1 tháng. Mình định hết thuốc đến viện tim mạch khám lại cho chính xác đây." - Nguyễn Trung Nhật chia sẻ.
"Tôi có nghiên cứu về triệu chứng về đau tim thì có khá nhiều trường hợp đau tim xảy ra quá nhanh, người bệnh không phát hiện kịp hoặc nhiều người thậm chí không nhận ra họ có các triệu chứng đau tim như đau ngực nhẹ, buồn nôn, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, khó thở, khó chịu ở cổ họng, cứng hàm…Nói chung tôi nghĩ ai cũng nên cho mình tư thế sẵn sàng đối đầu với bệnh tật nếu tình huống xấu xảy ra." - Thu Hoài chia sẻ.
Tham khảo từ bài viết “Lên cơn đau tim mà chỉ có một mình, phải làm sao?” theo Pháp luật TPHCM:
Lên cơn đau tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ đột ngột là mối lo của rất nhiều người, đặc biệt là trong khoảng thời gian họ chỉ sống một mình. Đau tim, nhồi máu cơ tim là lời cảnh báo sức khỏe đáng quan tâm đối với bất cứ ai.
- Dấu hiệu cơn đau tim
Để nhanh chóng phản ứng, bạn cần sớm nhận ra dấu hiệu đầu tiên của cơn đau tim. Những dấu hiệu thường gặp bao gồm:
- Đau ngực trầm trọng:
Trung tâm phần trái của ngực như bị siết chặt, nặng nề, tức ngực, kéo dài ít nhất 20 phút. Cơn đau có thể lan lên phần tay trên tay trái, cổ, hàm.
- Đổ mồ hôi, cảm giác suy sụp:
Lúc này cảm giác sức khỏe vô cùng mệt mỏi, mồ hôi đổ khá nhiều và có nhiều người cảm giác suy sụp, không còn một chút sức lực nào nữa.
Khoảng 90% người bị đau tim trải qua những dấu hiệu này. Tuy nhiên, người lớn tuổi, phụ nữ, người bị tiểu đường có thể bị đau tim mà không có dấu hiệu rõ rệt. Dấu hiệu khi đó rất mờ nhạt, ví dụ như hơi thở ngắn, đau ngực nhẹ, buồn nôn, ói, đau bụng trên.
- Phải làm gì khi lên cơn đau tim?
Khi bị đau tim, dù ở một mình hay với nhiều người, điều đầu tiên bạn cần làm là phải gọi cấp cứu y tế. Lúc này, bạn nhất thiết phải ngưng tất cả mọi việc đang làm, chọn một chỗ an toàn để nghỉ ngơi và gọi cấp cứu. Còn nếu đang lái xe thì bạn phải tấp vào lề đường và gọi người giúp đỡ càng sớm càng tốt.
- Làm gì khi đang chờ cấp cứu tới?
Nhiều nghiên cứu lớn cho thấy uống thuốc aspirin - loại thuốc làm loãng máu phổ biến nhất trên thế giới, có thể tăng khả năng sống sót khi bị đau tim. Hầu hết các ca đau tim đột quỵ đều do hình thành cục máu đông trong mạch máu có nhiệm vụ chuyển máu đến tim, ngăn máu chuyển oxy đến tim, gây hại cho cơ tim, khiến tim dần chết.
Uống aspirin khi lên cơn đột quỵ ngăn cản cục máu đông này càng lớn hơn, tạo cho cơ thể một cơ hội để phá vỡ cục máu này. Nếu có sẵn aspirin và không bị dị ứng thuốc này, bạn có thể uống khi chờ đợi cấp cứu tới.
- Những điều không nên làm khi đau tim
Thuốc nitroglycerin tạm thời mở rộng mạch máu thực sự không có tác dụng ngăn cản đột quỵ hay tăng khả năng sống sót. Thuốc này chỉ có lợi cho bệnh nhân đau thắt ngực do mất cân bằng lượng cung và cầu máu đến tim nhưng nguyên nhân là do mạch máu bị hẹp. Còn đau tim, trụy tim nguyên nhân là do máu đông.
Các phương pháp "tự giúp đỡ" mà nhiều người truyền nhau như ho liên tục hoặc đè ép lên vùng ngực cũng không có mấy tác dụng. Chỉ trong những trường hợp hiếm hoi như nhịp tim quá chậm do cơ chế phản xạ bất thường, ho có thể giúp khôi phục nhịp tim bình thường. Nhưng điều này không xảy ra khi bị đột quỵ.
Tương tự, đè ép lên vùng ngực không có tác dụng nhiều trừ phi tim bệnh nhân đã ngừng đập. Ngay cả khi điều này xảy ra, phương pháp hồi sức tim phổi này vẫn phải được thực hiện bởi người đã qua huấn luyện.
Trên thực tế, 70% những người thường xuyên có các triệu chứng đau tim rất dễ xảy ra tình trạng nhồi máu cơ tim và đột tử. Vì vậy, bạn nên chú ý các dấu hiệu bất thường của cơ thể và kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các vấn đề sức khỏe và xử lý kịp thời.