Cẩm Nang Sức Khỏe

Ung thư đại trực tràng - Sự nguy hiểm không giới hạn tuổi tác

Ung thư đại trực tràng là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan. Mỗi năm có 1.360.602 ca mới mắc và phân nửa (693.933 ca) sẽ tử vong trong một thời gian ngắn sau khi chẩn đoán. Và điều đáng lo ngại hiện nay chính là căn bệnh ung thư đại trực tràng đang trẻ hóa số tuổi người mắc bệnh.

Cùng cộng đồng mạng chia sẻ những thông tin liên quan đến ung thư đại trực tràng:

"Chị mình năm nay 32 tuổi. Vừa rồi chị mình đi điều trị trĩ và đã phát hiện ra u ở đại trực tràng. Sau khi sinh thiết có tế bào lạ, bác sĩ đã chỉ định mổ cắt u, khoét hết hậu môn và làm hậu môn giả trước bụng. Chị mình rất sốc vì đang rất bình thường và còn rất trẻ thì tự nhiên lại thành ra như vậy. Nhưng thật sự tình trạng ung thư đại trực tràng của chị mình không phải mới bắt đầu mà ở giai đoạn bắt buộc phải chữa trị và sử dụng hậu môn giả. Hiện nay gia đình mình đang học cách chăm sóc và chế độ ăn uống của những người lắp hậu môn nhân tạo để giúp chị ấy khác phục tình trạng này." - Thanh Phương Nguyễn chia sẻ.

"Bố mình cũng vừa phải làm hậu môn giả vì ung thư đại trực tràng. Bố mình mổ cách đây hơn 2 tuần mà vết mổ ở hậu môn cứ chảy máu và phải khâu lại. Lúc mình đi chăm bệnh ở đây thì thấy khá nhiều bệnh nhân rất trẻ, lúc đó mình thấy khá bất ngờ vì nghĩ bệnh này chủ yếu người trên 50 tuổi mới dễ gặp phải, không ngờ giờ đây có rất nhiều người ở độ tuổi quá trẻ như vậy." - Sơn Phạm cho biết.

Trích từ bài viết “Ung thư đại trực tràng - căn bệnh ngày càng trẻ hóa” theo nguồn Shape:

Ung thư đại trực tràng không phân biệt tuổi tác. Giờ đây, ung thư đại tràng không còn là bệnh của người già. Bệnh không phân biệt tuổi tác và có thể gặp ở ngay những người còn rất trẻ. Tìm hiểu những câu chuyện sau để hiểu về ung thư đại tràng trực tràng ảnh hưởng thế nào đến đời sống sức khỏe người bệnh.

  1. Câu chuyện của Stacey Bentancourt

4 năm trước, Stacey Betancourt để ý thấy sự đổi khác trong vấn đề bài tiết của cơ thể. Cô bắt đầu thấy đau ở vùng trực tràng. Hoạt động ruột trở nên cực kỳ thất thường - bị tiêu chảy hoặc táo bón.

Thời điểm ấy, Betancourt mới 27 tuổi và không suy nghĩ nhiều. Nhưng cô vẫn tới gặp bác sĩ và ông đã giới thiệu cô với một chuyên gia về tiêu hoá vì cho rằng có thể cô mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) - một rối loạn trong ruột gây đau bụng, bài tiết thất thường và đầy hơi. Betancourt nhớ lại: "Vị chuyên gia đó nói: ‘Cô thực sự còn rất trẻ nhưng vì cô đang có những triệu chứng này nên tôi muốn thực hiện soi đại tràng’ để xem thế nào".

Đó là xét nghiệm cho phép bác sĩ quan sát thành bên trong ruột kết và trực tràng của bệnh nhân. "Ngay lập tức, bác sĩ nhìn thấy khối u", Betancourt kể. Sinh thiết cũng xác nhận điều mà bác sĩ của cô nghi ngờ: “Cô đã bị ung thư đại trực tràng, giai đoạn 4 – giai đoạn nguy hiểm nhất của ung thư, các tế bào hay khối u ung thư đã phát triển trong các mô gần đó và có thể đã lan sang hạch bạch huyết.”

Sau khi được chẩn đoán, cô bước vào giai đoạn xạ trị "gần như ngay lập tức", theo sau đó là nhiều tháng hoá trị và kết thúc bằng cuộc phẫu thuật đầu tiên để loại bỏ khối u trong trực tràng. Betancourt được gắn một túi đeo ngoài để chứa chất thải cơ thể khi bệnh nhân không thể bài tiết như bình thường (túi hậu môn nhân tạo).

Ngoài ra, cô cũng phải trải qua một số cuộc phẫu thuật bổ sung, bao gồm thay thế hông sau khi một trong những loại thuốc hoá trị mà cô dùng đã gây thương tổn không thể cứu vãn nổi cho vùng hông của cô. "Tôi phải dùng gậy chống khi đi lại. Tôi cảm thấy vô cùng khó khăn để thích nghi với việc này".

Betancourt gọi hành trình điều trị ung thư của mình là "cơn lốc xoáy" với ý nhấn mạnh rằng cô vẫn còn đang phải chiến đấu với nó. "Về mặt lý thuyết, tôi bị coi là bệnh vĩnh viễn bởi tôi có khối u trong gan và phổi. Phẫu thuật không thực sự là lựa chọn dành cho tôi - bệnh ung thư sẽ không biến mất. Tuy nhiên, tôi vẫn có thể được chữa trị". Betancourt cũng tiết lộ rằng, phần đời còn lại của cô sẽ phải gắn liền với những loại thuốc hoá trị. Mục tiêu là giữ cho bệnh không tiến triển thêm nữa. "Cho tới thời điểm này, như thế đã được gọi là thành công khi khối u của tôi mới chỉ lớn thêm gần 1cm". Hiện cô đang chuẩn bị trải qua một thử nghiệm lâm sàng.

  1. Câu chuyện của Allison Rosen

Giống như Betancourt, Allison Rosen cũng nằm trong số những bệnh nhân ung thư đại trực tràng khi còn trẻ, năm cô 32 tuổi. Rosen bị mắc bệnh Crohn – tình trạng viêm nhiễm mạn tính đường ruột và kết quả là phải soi ruột định kỳ. "Tôi luôn gặp các vấn đề về tiêu hoá và lúc nào cũng phải tường tận các thói quen hoạt động của ruột", cô thổ lộ.

Đột nhiên, Rosen phát hiện ra, từ chỗ thường xuyên vào nhà vệ sinh, cô bị táo bón trong vài ngày liền. Cô cũng bắt đầu thấy máu trong phân và đã tới gặp bác sĩ. Ở đây, cô được chụp X-quang và bác sĩ tìm thấy một khối tắc nghẽn trong ruột. Sau khi soi ruột và lấy sinh thiết, bác sĩ đi đến kết luận - cô đã bị ung thư.

Rosen đã trải qua 5,5 tuần hoá trị và xạ trị, đã có khoảng thời gian phục hồi và sau đó được phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ ruột. Do bệnh Crohn, luôn tiềm ẩn nguy cơ ung thư tái phát nên cô cũng được trang bị một túi đặc biệt, được đưa vào qua con đường phẫu thuật, có vai trò lưu trữ và thải ra ngoài chất thải cơ thể. Sau đó, cô tiếp tục thực hiện hoá trị.

Giờ đây, khi căn bệnh đã được đẩy lùi, Rosen ước mình đã hỏi bác sĩ cặn kẽ hơn về cách thức phương pháp điều trị bệnh có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của cô như thế nào. Có thời điểm, Rosen đã hỏi về việc đông lạnh trứng nhưng rốt cuộc, cô không thể tiến hành việc đó vì phải ưu tiên điều trị ung thư ngay lập tức.

Cuộc đời của Rosen cũng biến chuyển theo những cách khác, vì căn bệnh ung thư. Việc phải soi ruột định kỳ gây nên một lỗ nhỏ trong túi đựng chất thải bên trong ruột của cô, buộc cô phải dùng túi hậu môn nhân tạo tạm thời với hi vọng, chỗ thủng sẽ liền lại. Nhưng chuyện đó không xảy ra. Rosen lại phải trải qua phẫu thuật cắt bỏ trực tràng và hậu môn và vĩnh viễn phải sử dụng túi hậu môn nhân tạo.

  1. Ung thư đại trực tràng không còn là bệnh chỉ gặp ở người già

Thật không may, trường hợp như Betancourt, Allison Rosen giờ đây không phải hiếm. Một nghiên cứu mới cho thấy, tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng (ung thư ruột kết và trực tràng) đang gia tăng trong nhóm người sinh từ đầu thập niên 1980 đến những năm 2000.

Trong khi gần 90% trường hợp mắc ung thư đại trực tràng được chẩn đoán ở nhóm người trên 50 tuổi, tỷ lệ số ca mắc mới ở nhóm tuổi 20-39 tăng từ 1-2,4% mỗi năm kể từ giữa những năm 1980. Tỷ lệ ca mắc mới ung thư trực tràng tăng 3,4% mỗi năm kể từ năm 1974-2013 trong nhóm tuổi 20-29.

Cả Rosen và Betancourt đều nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là bạn nên đi chụp chiếu nếu bắt đầu có những triệu chứng ung thư đại trực tràng – mà phần lớn bao gồm những lần ra máu thường xuyên khi đại tiện, một thay đổi nào đó trong thói quen bài tiết, tình trạng đầy hơi, trướng bụng kéo dài và phân mảnh như hình dải ruy băng. Nếu bác sĩ của bạn loại trừ những triệu chứng bạn nêu nhưng chúng vẫn tiếp diễn, hãy tới khám ở một bác sĩ khác.

Như Betancourt nói, ung thư đại trực tràng không phân biệt tuổi tác. "Nó không chỉ còn là bệnh của người già".

Tại Việt Nam hàng năm có 8.768 ca mới mắc. Ở nam giới, ung thư đại trực tràng là ung thư thường gặp, đứng hàng thứ 4 sau ung thư phổi, gan và dạ dày. Trong đó, người bị viêm loét đại tràng lâu ngày hoặc chế độ ăn uống hàng ngày nhiều chất béo và ít chất xơ là những đối tượng có nguy cơ mắc ung thư trực tràng nhất.

Nhanh chóng tìm hiểu thông tin liên quan đến ung thư đại trực tràng:

>> Xuất hiện 5 dấu hiệu ung thư đại trực tràng bạn phải gặp bác sĩ ngay

>> Ngăn ngừa ung thư đại tràng bằng 10 loại thực phẩm

>> Mắc phải 7 loại ung thư nguy hiểm bởi thói quen ăn uống phản khoa học

>> Loại thức uống từ thiên nhiên giúp bạn tránh xa ung thư đại trực tràng