Cẩm Nang Sức Khỏe

Thử nhịn đường trắng tuyệt đối trong 2- 4 tuần và kết quả bất ngờ đến sức khỏe

Đường trắng là một trong những loại thực phẩm quen thuộc và có thể là không thể thiếu đối với một số người. Thế nhưng, mặc dù phải vật vã với cơn thèm đường trắng nhưng với những người này đã vượt qua và kể lại trải nghiệm thật của mình. Tại sao họ phải vượt qua cơn thèm đường trắng? và họ vượt qua điều đó bằng cách nào?

Cộng đồng mạng chia sẻ ý kiến cá nhân của mình về thói quen và tác dụng của việc sử dụng quá nhiều đường, ảnh hưởng đến sức khỏe:

"Tôi cũng có một người bạn cực kỳ nghiệm những loại nước ngọt, bất kỳ loại nước ngọt và loại nước có gas cô đều sử dụng nhưng nước trắng thì không, và bạn biết đó, sức khỏe và đời sống của cô ấy bị ảnh hưởng không nhỏ. Và giờ đây, ở tuổi 28, cô ấy mắc bệnh tiểu đường." - Phan Thành Dũng chia sẻ.

"Đúng là đường là thực phẩm không thể thiếu cho sức khỏe được, nó giúp chúng ta có năng lượng hoạt động nhưng ta phải biết kiềm chế sự hấp thu đường của cơ thể, hoặc bạn chỉ nên cung cấp đường qua những loại thực phẩm tích cực như trái cây, bơ, ngũ cốc và các loại đậu thôi." - Lê Phương Anh tư vấn.

"Tôi đã từng không ăn đường và tinh bột một thời gian dài tầm 2,3 tháng. Kiêng hẳn, kể cả từ trái cây, tự nhiên cũng không ăn, và sau một thời gian đó thì uống nước cũng thấy ngọt, uống nước chanh không cần đường. Ăn lại tất cả mọi thứ thì đều thấy nó ngọt khủng khiếp." Hoàng Ngọc Thy chia sẻ

"Theo tôi thấy có nhiều người tiêu thụ đường mỗi ngày một cách vô thức thông qua bánh kẹo, nước ngọt, đồ béo,...điều này trở thành thói quen không tốt và họ khó thay đổi được, nhưng khó không phải là không, nhiều người trên thế giới phải tới tình trạng cai đường đó thôi, bởi vậy học học thói quen sử dụng đường cho cơ thể hợp lý ngay từ đầu trước đi." - Minh Uyên cho biết.

"Để kiêng đường, mỗi ngày mình phải vật vã dậy sớm tự chuẩn bị đồ ăn, quăng hũ đường vào sọt rác, nước mắm và xì dầu tiết giảm tối đa. Cá chỉ chiên với dầu olive rồi rắc muối tiêu, trứng chỉ ăn lòng trắng, thay nước ép trái cây bằng sinh tố trái cây, mọi thứ nước ngọt đều là kẻ thù, trà là bạn. Mấy ngày đầu sẽ thèm đồ ngọt và mấy món kho như kẹo kia, nên mình chuẩn bị sẵn cốm gạo lức và bánh giòn gạo lức để ăn vặt. Khi kiêng đường thành công bạn sẽ thấy ăn bất kỳ loại trái cây nào cũng ngọt thơm đến lạ, và giảm 5kg là điều quá bình thường luôn." - An Nhiên cho biết.

Trích từ bài viết “3 người này đã thử nhịn đường trắng tuyệt đối trong 2 - 4 tuần và kết quả họ nhận được thật khó tin” theo nguồn ChicagoTribune, Dailymail, Bashny:

Ai cũng biết rằng, thực phẩm và đồ uống ngọt sẽ gây ra một tác hại lớn cho cơ thể. Mặc dù biết là nguy hại cho sức khỏe đời sống con người nhưng nhiều người trong chúng ta lại không đủ can đảm để có thể từ bỏ những thực phẩm ưa thích này.

Tuy nhiên, đảm bảo sau khi đọc bài viết nói về câu chuyện trải nghiệm thực này, bạn sẽ có suy nghĩ khác hẳn đấy.

  1. Michael Grothaus "nhịn" đường trắng trong 2 tuần và kết quả hơn cả mơ

Đầu tiên, ta hãy đến với Michael Grothaus - một tiểu thuyết gia, cựu nhân viên Apple cùng câu chuyện thật về việc "nhịn" đường trắng (loại đường tinh luyện, tất cả chất dinh dưỡng đã bị loại bỏ trong quá trình tinh chế) trong 2 tuần của anh.

Vốn dĩ sở hữu thân hình khá "mũm mĩm", Grothaus đã biết quan tâm đến thực đơn ăn của mình để không vượt quá 2.000 calo/ngày cũng như tập thể dục thường xuyên.

Mặc dù vậy, trong thực đơn ăn mỗi ngày của Grothaus vẫn tồn tại những món ăn ưa thích như nước ngọt giảm cân, bịch kẹo M&M... hay đã uống cà phê thì phải thêm 1 gói đường cho đậm vị.

Grothaus luôn tự tin về thực đơn "hoàn hảo" của mình, nó không khiến tăng cân và duy trì sức khỏe tốt. Tuy nhiên, kể từ hôm gặp người bạn là bác sĩ, Grothaus đã được "khai sáng" và quyết tâm "nhịn" đường trắng trong 2 tuần.

Michael Grothaus (bên phải) đang kể về cuộc chiến kiêng đường tinh luyện trong 2 tuần của mình.

Điều đó đồng nghĩa với việc, bạn phải buộc buông bỏ đồ uống đóng hộp, nước ép trái cây, bánh mì trắng, nước sốt, mì ống, sữa chua... thay vào đó bạn chỉ được ăn rau quả, trứng, cá, thịt, mì ống (làm từ ngũ cốc nguyên cám, gạo). Cần nhấn mạnh rằng, Grothaus chỉ kiêng đường trắng, nên anh có thể sử dụng đường tự nhiên trong các loại trái cây, thực phẩm ngũ cốc...

Những ngày đầu với Grothaus quả thực là cực hình. Anh cảm thấy choáng váng, đau đầu, mắt mờ đi, thiếu tập trung, người chán nản, khó chịu đến mức muốn bán mọi thứ để có được 1 thứ đồ ngọt nào đó.

Đến ngày thứ 6, mọi chuyện dường như xoay đổi 180 độ. Grothaus không còn cảm thấy mệt nữa mà thấy tỉnh táo và tập trung tốt hơn. Grothaus chia sẻ: "Tôi cảm thấy mình tiếp thu được nhiều thông tin hơn, rõ ràng tôi đã thông minh hơn".

Bác sĩ dinh dưỡng Rebecca Boulton - người theo sát Grothaus trong quá trình "nhịn" đường giải thích rằng, cơ thể cần 1 khoảng thời gian để điều chỉnh lại các loại thực phẩm mới và lường đường bị cắt giảm. Lúc này, bạn có thể bị nôn nao, khó chịu, nhưng khi lượng đường trong máu cân bằng trở lại, các dấu hiệu này sẽ biến mất. Cảm giác mù mờ trong tâm trí sẽ không còn, thay vào đó là sự tỉnh táo tuyệt đối.

Grothaus nhắn nhủ rằng: "Chỉ với 2 tuần "nhịn" đường trắng, những lợi ích có được với tôi thực sự tốt. Tôi hi vọng rằng bạn cũng sẽ đủ mạnh mẽ để thực hiện điều này, giống như tôi đã làm".

  1. Sacha Harland (Hà Lan) và công cuộc "tẩy chay" đường trong 1 tháng

Có phần quyết tâm hơn anh Grothaus, chàng trai 22 tuổi - tên Sacha Harland đến từ La Haye (Hà Lan) đã quyết định ăn uống lành mạnh, "tẩy chay" đường, đồ ngọt trong 1 tháng liên tục.

Chỉ tiêu thụ những món như trứng, cá, thịt, rau xanh, hoa quả, nước ép trái cây, salad, sữa chua... Sacha đã có những trải nghiệm tuyệt vời cùng thành quả "bội thu" trong sức khỏe của mình.

Sacha Harland "tẩy chay" đường trong 1 tháng liên tục.

Trước khi bắt đầu chuyến "hành xác", Sacha đã đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe tổng thể và lấy chỉ số để so sánh kết quả sau 1 tháng "kiêng" đường. Được biết, kết quả lúc kiểm tra tổng quan khá mỹ mãn, khi lượng cholesterol, đường trong máu hay huyết áp đều ổn định.

Trong 4 ngày đầu tiên, Sacha như biến thành 1 con người khác. Anh luôn bực bội, khó chịu trong người. Sacha chia sẻ: "Tôi luôn gắt gỏng trong vài ngày đầu và không thể thưởng thức món ăn như ngày thường. Tôi đã mất khoảng 1 - 1,5 tuần để quen dần với các món ăn có thể ăn và bắt buộc phải nhịn".

Đến ngày thứ 5, Sacha dường như không thể chịu nổi cơn đói kéo dài cùng cảm giác thèm ăn dâng cao tột độ.

Sau khoảng 1 - 2 tuần, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn khi Sacha có thể duy trì chế độ ăn không đường đơn, ăn nhiều rau quả hàng ngày.

  1. Randi Shaffer - 2 tuần với cơn "vật đường"

Randi Shaffer là biên tập viên của tờ báo Chicago Tribune cũng đã có những chia sẻ rất thật về quá trình kiêng đường của mình.

Không ăn thịt nhưng biên tập viên 27 tuổi này chọn cho mình 1 chế độ giàu rau. Tuy nhiên, kèm theo đó, cô rất hảo ngọt. Cho đến 1 ngày khi phải đi gặp bác sĩ, Randi Shaffer mới thực sự vỡ mộng trước thói quen tưởng chừng khoa học của mình.

Randi Shaffer sau đó đã nhờ đến Kirsten Straughan - giám đốc chương trình khoa học dinh dưỡng thuộc ĐH Illinois ở Chicago để có được 1 chế độ ăn hoàn toàn không đường.

Randi Shaffer đã gặp thất bại trong 2 ngày thử kiêng đường trắng đầu tiên và chịu thua trước những chiếc bánh hạnh nhân thơm lừng. Nhưng với quyết tâm của mình, cô đã quen dần với thực đơn loại bỏ đường trắng.

Trong vài ngày đầu tiên, Randi Shaffer gần như chỉ ăn trái cây vào bữa sáng, bơ, sản phẩm ngũ cốc vào trưa và đậu phụ, gạo nâu, rau hấp cho bữa tối. Sự thèm đường khiến cô đau đầu vật vã suốt những ngày cuối của tuần đầu kiêng đường.

Phải đến tuần thứ 2, Randi Shaffer mới quen dần, cô ăn rau nhiều hơn, chọn các loại hạt, trứng để giảm cơn đói cũng như cơn "vật đường" của mình.

Đến ngày cuối cùng của tuần thứ 2 ăn theo chế độ không đường, Randi Shaffer vô cùng sung sướng khi cảm thấy cơ thể tốt hơn nhiều. Cô chia sẻ: "Mặc dù cân nặng của tôi không giảm nhiều nhưng tôi thấy mình tập trung hơn, và sự thèm ăn đường của tôi gần như không còn nữa. Làn da cũng được cải thiện nhiều và tôi hài lòng với điều đó".

Sau trải nghiệm này, Randi Shaffer hiểu ra rằng đường thật sự có hại đến cơ thể mình và đã biết cách xem liều lượng đường trên mỗi sản phẩm trước khi sử dụng nó.

Những câu chuyện về sự trải nghiệm thật ở trên phần nào đã cho chúng ta thấy sự thay đổi thật sự khi bạn hoàn toàn cắt bỏ hay giảm lượng đường tiêu thụ mỗi ngày.

Mặc dù biết rằng để thay đổi 1 thói quen là rất khó, huống hồ vị ngọt ngào từ bánh, kẹo... luôn vẫy gọi bạn. Nhưng hãy tin rằng, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát và giảm dần lượng đường của mình từng chút một. Hãy rèn luyện cho mình thói quen và sức khỏe thật tốt bằng cách tránh xa nhưng thói quen xấu, rèn luyện thói quen tốt nhằm xây dựng nền sức khỏe hoàn thiện.