Cảnh báo Hóc dị vật ở trẻ em - Chi tiết các bước sơ cứu nhanh cho trẻ từ bác sĩ nhi
Cảnh báo Hóc dị vật ở trẻ em - Chi tiết các bước sơ cứu nhanh cho trẻ từ bác sĩ nhi, 421, Phương Thảo, Cẩm Nang Sức Khỏe
, 13/01/2017 16:59:31Bởi vậy nếu trong gia đình bạn đang có con nhỏ hoặc chuẩn bị đón chào những mầm non mới thì nên tìm hiểu những thông tin sau để tránh xa những tình trạng hóc dị vật ở trẻ và học cách xử lý nhanh nhất để điều này không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là tính mạng của con trẻ.
Cộng đồng mạng chia sẻ ý kiến của mình về việc trẻ em bị hóc dị vật:
"Chẳng là hôm qua tôi cho bé đi chơi, do không chú ý nên bé cầm 1 vốc hướng dương ăn thì hóc, lúc đó bé la khó thở và ho dữ dội nhưng không thể ho ra được mẫu hướng dương. Lúc đó tôi lập tức bế lên và vỗ lưng cho bé thì rất may bé ói ra được." - Bình Nguyễn chia sẻ.
Gần nhà tôi có cô bé 1 tuổi vừa mới mất vào mùng 3 tết năm ngoái, nhà hàng xóm có cúng tiễn đưa ông bà nên họ hàng tới cũng rất đông. Người mẹ vì bận rộn phụ mẹ chồng nấu nướng nên đưa con gái mới 1 tuổi cho chồng giữ còn mình lui cui dưới bếp vừa nấu cỗ vừa nấu cháo cho con ăn. Anh chồng trẻ con ham chơi nên để con bên cạnh khay bánh mứt + hộp hạt dưa còn rất nhiều. Một lát sau chị vợ bưng cháo lên cho con ăn thì hốt hoảng phát hiện bé con nằm lăn quay, mắt trợn ngược người tím tái và có dấu hiệu ngừng thở. Vậy đấy, vì ham chơi để cho con bé ăn phải hạt dưa rồi hóc mà mất." - Phạm Thị Hà cho biết.
"Con mình 13 tháng tuổi xém tí xíu nữa là tiêu luôn vì hóc hạt nhãn. Mình nấu cơm dưới bếp, nhờ bố nó mang nhãn lên bóc vỏ, bóc hạt cho con ăn. Không ngờ ông chồng bóc nhãn đút cho con ăn xong không thèm lấy hạt quăng đi, để nguyên trên bàn rồi ra ngoài nghe điện thoại. Lúc đó mình đang nấu ăn dưới bếp tự dưng có cảm giác bất an nên mới chạy lên xem con sao, thì thấy nó đang trợn ngược mắt, người tím tái không thở được. Hoảng hồn, mình sợ quá không biết làm sao mới thò tay vô họng móc ra may sao cái hột rớt ra. Hú hồn. Xử lý xong con, mình quay ra chửi ông chồng 1 trận, suýt nữa thì tiêu thằng nhỏ rồi." - Đặng Vy chia sẻ.
Tham khảo những bài viết về hiện tượng hóc dị vật ở trẻ em trên trang Afamily:
Câu chuyện về bà mẹ nhanh trí cứu con gái 1 tuổi khỏi nghẹt thở vì hóc bim bim
Bà mẹ Jennifer Hull (34 tuổi) ở Texas, Mỹ đã kịp thời cứu con gái út bị nghẹt thở do hóc bim bim rau củ. Lúc đó, cô đang chơi với hai con gái Hatilynn (3 tuổi) và Hollis (1 tuổi) ở phòng chơi rồi bắt đầu nghe tiếng Hollis thở hổn hển. Khoảnh khắc ngộp thở đó đã được chiếc camera trong nhà ghi lại.
Hai cô bé đang chơi với búp bê thì Hollis bị hóc nghẹt thở do ăn bim bim và ngay lập tức chạy đến nhờ mẹ giúp.
Nhớ lại giây phút đó, Hull chia sẻ trên ABC News rằng cô đã vỗ vào lưng Hollis và bảo con gái lớn mang nước tới cho em gái. Nhưng cách đó không có tác dụng và cô đã nhớ lại những gì được học tại lớp an toàn cho trẻ sơ sinh trước khi sinh con. Theo đó, cô quay con gái ngược lại rồi thực hiện thủ thuật Heimlich và miếng bim bim lập tức bắn ra khỏi cổ họng cô bé.
Jennifer Hull cho biết chồng cô đã khóc trong đêm khi từ công sở trở về và xem lại đoạn video đáng sợ đó. “Anh ấy cảm thấy bất lực khi xem đoạn phim. Chúng tôi đều bì sốc vì nó thực sự rất đáng sợ. Nó càng đáng sợ hơn khi chúng tôi nghĩ tới chuyện gì có thể xảy ra”.
Hull cho biết cô từng cảm thấy vô cùng khó khăn khi nói về tai nạn bất ngờ đó nhưng rồi cô quyết định chia sẻ để nâng cao ý thức cho các bậc cha mẹ khác. Cô mong rằng những cặp đôi chuẩn bị có con hãy học hỏi những kiến thức về an toàn cho trẻ nhỏ, đặc biệt là các kĩ thuật sơ cứu cần thiết.
“Chúng tôi đã cùng tham gia các lớp học bệnh viện tổ chức. Đó là điều tối thiểu nhất bạn có thể làm nếu bạn đang chờ đợi ngày con yêu chào đời”, Hull nói. Cô cũng chia sẻ cảm giác tội lỗi khi Hollis đã phải trải qua những đau đớn vì tai nạn này dù cô đã chuẩn bị kiến thức từ trước.
Các bước giúp bậc phụ huynh sơ cứu trẻ kịp thời khi bị hóc dị vật
Sặc, hóc dị vật đường thở là một tai nạn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ cao nhất ở trẻ 2 - 4 tuổi. Theo thống kê của Bệnh viện thì có đến 25% gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và 95% gặp ở trẻ dưới 4 tuổi.
Ngoài sặc sữa, cháo, trẻ còn có thể bị sặc, hóc dị vật đường thở khi ăn hạt lạc, hạt ngô, hạt dưa, hạt na, hạt hồng bì, hạt chôm chôm, hạt nhãn, mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá... hay khi chơi với mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc... Các dị vật đi vào đường thở khiến trẻ bị bịt đường thở, khó thở, sặc sụa, tím tái có thể gây tử vong.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Hóc dị vật thường xảy ra đối với trẻ nhỏ, nếu xử lý đúng cách và kịp thời thì có cơ hội cứu được bé. Nếu không kịp thời thì chỉ sau 5-6 phút, dị vật chèn đường thở sẽ khiến bé ngừng thở, suy hô hấp dẫn tới tử vong.”
Theo TS. Dũng, khi sặc sữa, sặc cháo, hay hóc dị vật (thuốc, các loại hạt, thạch đồ vật nhỏ…), cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần bình tĩnh và xử lý thật nhanh những thao tác như sau:
- Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực:
Ngay lập tức phải quay em bé lại và đặt nằm sấp trên tay, nếu bé nặng có thể một tay đỡ cổ còn phần dưới đặt lên chân mình cho đỡ nặng. Lưu ý để đầu bé chúc xuống nhưng cổ thẳng.
Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé – chỗ giữa hai xương bả vai, hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài.
Sau khi làm xong nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào vùng thượng vị (chỗ giữa ngực, trên rốn và dưới xương ức). Làm động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Song song với việc đó là gọi xe cấp cứu.
Nếu thấy cháo, sữa, canh… chảy từ mũi, miệng ra thì cha mẹ cần hút kỹ chúng để thông đường thở cho con. Việc này cần làm sớm để tránh sữa không ứ đọng trong mũi, miệng. Nếu dị vật chưa ra hẳn, ta quay bé lại và dùng tay moi dị vật ra.
- Với trẻ trên 2 tuổi, cha mẹ có thể dùng biện pháp ép bụng (phương pháp Heimlich):
Cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang người bé sao cho lưng bé áp sát vào bụng mình, để tay dưới xương ức trẻ, dùng sức mạnh xốc bé lên 5 cái. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp.
Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh. Sau đó đưa bé ngay vào viện.
Chú ý 10 dị vật có thể mắc vào tai trẻ bố mẹ không bao giờ ngờ tới
Một trong những tai nạn thương tích trẻ em thường gặp nhất là do có dị vật trong cơ thể bé, trong đó phải kể đến những dị vật bị mắc vào tai của bé. Trẻ nhỏ có thói quen nhét tất cả mọi thứ, từ các loại hạt đến vật dụng nhỏ vào tai của mình và thậm chí nhiều lúc mải chơi quên luôn rằng có thứ đang mắc vào tai.
Vì thế, bố mẹ phải là người luôn trông chừng bé và đặc biệt là phải nhận biết được những thứ có thể là nguy cơ tiềm tàng để cảnh giác và đặt xa tầm với của trẻ.
- Con dế:
Nghe thì có vẻ buồn cười nhưng điều này là có thật. Những con dế nhỏ có thể chui tọt vào tai bé và thậm chí là làm tổ trong đấy nếu không phát hiện sớm.
- Pin đồng hồ đeo tay:
Một cậu bé đã nói với bà rằng cậu đã bẻ gãy một cái bút chì trong tai cậu bé nên bây giờ bị đau tai. Nhưng thực tế khi được bác sĩ khám, hóa ra đó lại là một cục pin đồng hồ đeo tay. Cũng không bất ngờ khi những cục pin này có kích thước vô cùng nhỏ, rất dễ dàng lọt vào tai của trẻ.
- Sâu bướm:
Một cậu bé 12 tuổi đến từ bang Colorado, Mỹ đến phòng cấp cứu và đang khóc thét vì bị đau tai. Bác sĩ thử nhìn vào trong tai của cậu bé thì phát hiện ra đó là một con sâu bướm đang mắc trong đó. Bác sĩ đã phải thử rất nhiều phương pháp khác nhau để có thể lấy con sâu bướm ra. Điều đáng ngạc nhiên là lúc lấy ra, con sâu bướm vẫn còn sống, thực sự vô cùng nguy hiểm.
- Đất nặn:
Khi một người mẹ đưa cô con gái 3 tuổi đi khám định kỳ, bác sĩ đã hỏi cô bỏ ống nghe vào tai con từ bao giờ? Người mẹ vô cùng ngạc nhiên và trả lời lại ngay rằng: “Tôi chưa bao giờ làm thế cả.” Thế nhưng, sau một hồi khám, một cục đất nặn nhỏ màu xanh lá được lấy ra từ tai của cô bé, nhìn không khác gì một chiếc ống nghe. Vì thế, bố mẹ cần đặc biệt chú ý khi cho con chơi đất nặn vì các bé sẽ rất có thể tự nhét đất nặn vào tai mình.
- Dòi:
Điều này nghe có vẻ hy hữu và có phần kinh dị nhưng không phải là không có. Đặc biệt những lúc trẻ chơi ở ngoài trời, những con dòi rất có thể chui vào tai trẻ. Những con dòi này vô cùng nguy hiểm vì chúng là loài thường hay sống kí sinh ở những con vật bị thương hay đã chết và ăn thịt dần dần. Vì thế, tai của trẻ cũng sẽ bị tổn thương nghiêm trọng nếu những con vật này sống lâu trong tai.
- Bồ công anh:
Một cặp bố mẹ ở Trung Quốc phát hiện ra trong tai của cô con gái nhỏ của họ có một thứ gì đó đang phát triển. Họ ngay lập tức đưa con đến bệnh viện và may thay bác sĩ đã có thể lấy nó ra một cách dễ dàng. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn cả là họ đã sốc vô cùng khi biết rằng một ngọn bồ công anh đã phát triển 2cm trong ống tai của cô bé.
- Giày búp bê Barbie:
Một cặp bố mẹ khác thì đã vô cùng tuyệt vọng khi nghĩ rằng cậu con trai nhỏ của họ có thể đã mắc phải căn bệnh ung thư nguy hiểm, phát triển nhanh trong tai cậu bé. Khi họ đưa con đến bệnh viện để phẫu thuật, bác sĩ đã phát hiện ra rằng thực chất đó chỉ là một chiếc giày của búp bê Barbie. Cậu bé đã bỏ nó vào tai rất lâu trước đây đến nỗi những tế bào đã bắt đầu phát triển quanh chiếc giày, khiến tai của cậu bé xuất hiện một khối thịt nhìn như một khối u.
- Nhện:
Cũng giống như dế và sâu bướm, những con nhện nhỏ rất có thể chui vào tai bé nếu bố mẹ không để ý.
- Răng:
Nghe thì có vẻ rất lạ nhưng đây lại là nguyên nhân vô cùng phổ biến đối với những tổn thương ở tai của trẻ ở những nước phương Tây. Vì những đứa trẻ ở đây có truyền thống cất giữ răng để Tiên răng đến lấy, và một vài bé chọn tai của mình như là một nơi cất giữ an toàn nhất. Và khỏi cần phải nói việc này nguy hiểm đến tai của trẻ đến mức nào.
- Những mảnh lego:
Món đồ chơi yêu thích của trẻ này tất nhiên không phải là một ngoại lệ. Những bộ đồ chơi lego có thể có những mảnh ghép bé xíu mà trẻ có thể vô thức nhét vào tai mình.
Bởi vậy, điều tốt nhất là bố mẹ nên rà soát xem tất cả đồ chơi trong nhà có phù hợp với lứa tuổi của bé hoặc quá nhỏ hay không. Bố mẹ cũng cần quan sát cẩn thận trong lúc bé chơi đùa. Cách tốt nhất là nên dạy bé nhận thức được việc nhét đồ vật vào tai mình là việc xấu và vô cùng nguy hiểm.
Nếu bạn biết những thông tin khác về việc hóc dị vật ở trẻ em, hãy chia sẻ với chúng tôi vì đây là sự việc cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Cảnh báo Hóc dị vật ở trẻ em - Chi tiết các bước sơ cứu nhanh cho trẻ từ bác sĩ nhi Blog sức khỏe, Trẻ em
Các bài viết liên quan đến Cảnh báo Hóc dị vật ở trẻ em - Chi tiết các bước sơ cứu nhanh cho trẻ từ bác sĩ nhi, Blog sức khỏe, Trẻ em
- 12/10/2021 Đám hiếu là gì? Sức khỏe nhanh tư vấn đi viếng đám hiếu nên mang gì, trang phục thế nào 1845
- 08/10/2021 Sức khỏe nhanh chia sẽ địa chỉ mua phôi nấm bào ngư xám ở TPHCM 1374
- 19/10/2016 Bất ngờ 2 loại cây cỏ thân thuộc đạt giải Nobel Y học 4326
- 19/09/2016 Nhồi máu cơ tim đến bất ngờ, bạn nên làm gì ? 2818
- 29/11/2016 Đừng bỏ qua những cách hạ sốt an toàn cho trẻ nhà bạn 4642